Quá trình phát triển dân chủ tại Việt Nam từ 1945 Dân chủ tại Việt Nam

Dân chủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Trong Tuyên ngôn độc lập 1945 do Hồ Chí Minh viết, đã khẳng định quyền tự do dân chủ của tất cả người dân Việt Nam. Trong Hiến pháp 1946, Lời nói đầu khẳng định ba nguyên tắc cơ bản của bản Hiến pháp này:

  1. Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo;
  2. Đảm bảo các quyền tự do dân chủ;
  3. Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.

Có quan điểm cho rằng bản Hiến pháp 1946 mang "ít chất xã hội chủ nghĩa, duy ý chí, tập trung quan liêu bao cấp như các hiến pháp sửa đổi lại sau đó".[6] Tuy nhiên, những quy định trong Hiến pháp năm 1946 hầu hết đều không trở thành hiện thực. Đảng Lao động Việt Nam đã thiết lập một nền chuyên chính vô sản tại Việt Nam.

Dân chủ Việt Nam Cộng Hòa

Hệ thống chính trị tại Việt Nam Cộng Hòa cho phép quyền dân chủ khá phổ biến, như cho phép đa đảng, quyền biểu tình, bầu cử phổ thông đầu phiếu cho vị trí Tổng thống... Hiến pháp 1967 xác lập cơ cấu tổ chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa rất hoàn chỉnh, theo mô hình của nhà nước Hoa Kỳ. Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa đã thể hiện khá đầy đủ tinh thần của chủ nghĩa hợp hiến.

Theo báo cáo đặc biệt năm 1973 của Tổ chức Ân xá quốc tế (amnesty international - AI), có tồn tại việc chính quyền Việt Nam Cộng hòa đàn áp những người bất đồng chính kiến, trong đó có việc lạm dụng các điều luật mơ hồ để bắt giữ tuỳ tiện, tra tấn, và xét xử bằng toà án binh. Những người dân thường bị Việt Nam Cộng hòa giam giữ đều được Tổ chức Ân xá Quốc tế xem là tù nhân chính trị, vì đa phần trong số đó bị giam giữ vì lý do bất đồng chính kiến. Nhiều người bị bắt mặc dù không có liên hệ với Cộng hòa Miền Nam Việt Nam hay Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Theo AI, Việt Nam Cộng hòa có bốn loại tù nhân bao gồm: tù hình sự, những người thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam hay Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, những người có liên hệ với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam hay Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và những người bất đồng chính kiến. Những người bất đồng chính kiến được phía Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gọi là "lực lượng chính trị thứ ba" tại miền Nam. AI cho rằng Việt Nam Cộng hòa giam giữ khoảng 200.000 tù chính trị nhưng phía Việt Nam Cộng hòa cho rằng họ chỉ giam khoảng 37.000 người. Một trường hợp tiêu biểu của AI nhắc tới là dân biểu Trần Ngọc Châu một người bất đồng chính kiến bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu quy chụp là cộng sản nằm vùng. Sau Hiệp định Paris, ông Châu được trao trả cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhưng ông từ chối vì cho rằng mình không phải là cộng sản. Thực tế đã chứng minh điều đó khi sau năm 1975, ông này đã sang Hoa Kỳ định cư. Theo AI, Việt Nam Cộng hòa đã bắt bớ và giam giữ tuỳ tiện những người bất đồng chính kiến ở miền Nam thông qua những điều luật chống Cộng mơ hồ và tù binh không được hưởng các quy chế quốc tế. Nhiều tù chính trị bị coi là đặc biệt nguy hiểm bị giam giữ mà không qua xét xử. Nhiều phiên xử của các tòa án binh chỉ kéo dài trong 5 phút. Theo AI, tù nhân chính trị còn bị tra tấn, bức cung, nhục hình tại các nhà giam, đặc biệt là tại Tổng nha Cảnh sát Quốc gia Đô thành Sài Gòn. Tình trạng đối xử tàn tệ với tù nhân diễn ra khốc liệt hơn khi Quân lực Việt Nam Cộng hòa và cố vấn Hoa Kỳ can thiệp vào các trại giam. Báo cáo cho biết việc biệt giam, cùm, đánh đập dã man và nhốt tù nhân trong chuồng cọp khiến cho một số tù nhân bị tàn tật vĩnh viễn. Một số tù nhân đã chết trong ngục hoặc bị liệt nửa người. Từ năm 1972, hội Chữ thập đỏ bị ngăn cấm vào tiếp xúc và hỗ trợ cho tù chính trị. Đa số người bị cáo buộc vi phạm những tội chính trị kể trên đều bị giam giữ vô thời hạn mà không được mang ra xét xử. Căn cứ vào Điều 4, Hiến pháp năm 1967 về việc bài trừ chủ nghĩa Cộng sản, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thường bắt người với lý do “gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia”, “gây suy sụp tinh thần chiến sỹ quân đội”, tập hợp người gây bất lợi cho an ninh quốc gia, cổ súy chủ thuyết cộng sản, thân cộng, thân cộng-trung lập,...Luật nhà binh được chính quyền sử dụng trong các vụ án chính trị.[7]

Dân chủ tại Việt Nam từ 1975 đến nay

The Economist Intelligence Unit: Bản đồ chỉ số dân chủ năm 2012 do tờ tạp chí The Economist đánh giá, màu xanh đậm hơn là chỉ nước dân chủ hơn.
Dân chủ thật sự:
  9.00-10.00
  8.00-8.99
Bán dân chủ:
  7.00-7.99
  6.00-6.99
Chế độ nửa vời:
  5.00-5.99
  4.00-4.99
Chế độ độc tài:
  3.00-3.99
  2.00-2.99
  0.00-1.99
Không đủ thông tin, không đánh giá:
  

Trong thời kỳ sau 1975 đến 1988, tại Việt Nam có ba Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Xã hội Việt NamĐảng Dân chủ Việt Nam. Từ năm 1988, Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam tuyên bố ngừng hoạt động, tại Việt Nam chỉ còn một đảng duy nhất lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện tại theo Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là chính đảng duy nhất lãnh đạo toàn dân và Nhà nước.

Những năm đầu 1990, Việt Nam thực sự đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế. Dưới sức ép của quốc tế, đồng thời muốn tham gia cộng đồng quốc tế, tham gia WTO, Việt Nam ký kết một loạt các công ước quốc tế về Nhân quyền và dân chủ. Sau khi Việt Nam ký kết Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Chương trình hành động Vienna 1993, Việt Nam tiến hành sửa đổi Hiến pháp (1992), công nhận các quyền con người theo các thỏa thuận đã ký. Nhà nước Việt Nam cho rằng nền dân chủ ở Việt Nam do Đảng Cộng sản và nhân dân xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện, mở rộng và phát huy. Xây dựng và hướng tới một xã hội xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.[8] Nếu so sánh với tiêu chuẩn của hệ thống dân chủ phương Tây, Việt Nam hiện có nhiều vấn đề trong thực thi dân chủ theo các cam kết mà Việt Nam đã ký. Trước hết là quyền tự do bầu cử, lựa chọn ứng cử viên. Tiếp đó là các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do báo chí và truy cập thông tin theo nhiều nguồn, quyền tự do tôn giáo.

Chính vì vậy, các tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng ở Việt Nam "không có dân chủ". Việt Nam bị Economist Intelligence Unit (EIU) xếp vào nhóm chính thể chuyên chế cùng với Trung Quốc và Miến Điện.[9] Nhiều năm, bộ ngoại giao Mỹ cũng xếp Việt Nam vào nhóm nước "chưa có dân chủ, hạn chế tự do báo chí, tôn giáo".[10]

Theo điều 4 Hiến pháp hiện hành, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của xã hội. Theo Hiến pháp thì người dân Việt Nam bầu ra Quốc hội là những người đại diện cho dân, các đại biểu Quốc hội sẽ bầu ra chủ tịch nước và chính phủ. Tuy nhiên, do cơ chế quy hoạch và hiệp thương đại biểu, nên có nhiều vấn đề trong việc lựa chọn ứng cử viên. Các ứng cử viên thường nằm trong danh sách do trên quy hoạch đưa xuống.[11] Do đó, đa số Đại biểu quốc hội, cũng như các chức danh trong Chính phủ, quản lý cấp trung ương tới địa phương đều là theo quy hoạch, là Đảng viên Đảng Cộng sản.[12]

Trong Quốc hội đã có những tiếng nói phản biện, nghi ngại về hiệu quả hoạt động của chính phủ. Đặc biệt sau những vấn đề trong quản lý của Chính phủ (vụ Vinashin, vụ cho thuê rừng, vụ tham nhũng PCI...), có nhiều tiếng nói của đại biểu yêu cầu thay đổi cơ chế quản lý hiện nay trong kinh tế. Lần đầu tiên một đại biểu quốc hội yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ, yêu cầu Chính phủ xin lỗi nhân dân.[13]

Trước đó, lần đầu tiên Quốc hội bỏ phiếu bác bỏ một dự thảo Xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam của chính phủ, dù đã được coi là nghị quyết của Bộ Chính trị. Nhiều cán bộ cao cấp lên tiếng đề nghị chính phủ thận trọng trong dự án Bauxite Tây Nguyên, ví dụ như Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.[14]

Một số tờ báo vạch rõ nguy cơ của việc thiếu dân chủ,[15] dân chủ hình thức [16] qua đó kiến nghị những giải pháp để Đảng Cộng sản Việt Nam đổi mới, mở rộng dân chủ trong và ngoài Đảng, trong bầu cử, trong lựa chọn lãnh đạo, trong ra quyết định.[17]

Chính phủ Việt Nam khẳng định luôn quan tâm đến dân chủ và tìm cách mở rộng, phát huy dân chủ ở Việt Nam, tuy nhiên họ cũng nhìn nhận rằng Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã sử dụng vấn đề dân chủ làm một chiêu bài, "vũ khí" trong chiến lược Diễn biến hòa bình nhằm mục đích chuyển hóa, lật đổ, và thay thế các nhà nước xã hội chủ nghĩa. Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh việc không chấp nhận các lực lượng ngoại quốc lấy lý do dân chủ để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, cũng như việc một số cá nhân trong nước "Đội lốt dân chủ" để tiến hành vu cáo, xuyên tạc, bóp méo thông tin, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.[18]

Phó chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Thị Doan nói: dân chủ của Việt Nam "cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản".[19] Tại hội nghị Công an toàn quốc chiều ngày 17/12/2012 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: "cương quyết không để nhen nhóm hình thành các tổ chức chính trị đối lập chống phá và đi ngược lợi ích của đất nước, của nhân dân".[20]

Theo báo Nhân dân, nền dân chủ ở Việt Nam là nền dân chủ Xã hội chủ nghĩa. Theo đó, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là trọng tâm. Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội bằng pháp luật và các công cụ khác, nhưng việc sử dụng bất cứ công cụ nào cũng phải trong khuôn khổ pháp luật. Thông qua thực thi pháp luật, nhà nước thể hiện nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.[21]

Theo tờ Diplomat (2016), dân chủ ở Việt Nam chỉ tồn tại trên danh nghĩa và không có trên thực tế [22]. Năm 2017, theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu PEW, trụ sở tại Mỹ, 79% người Việt được thăm dò trả lời là "ủng hộ dân chủ vừa phải" và có 29% người Việt Nam xem chính quyền quân sự là thể chế "rất tốt", 41% coi là "hơi tốt" và chỉ có 3% xem là "rất xấu"[5].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Dân chủ tại Việt Nam http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41667806 http://www.economist.com/node/8908438?story_id=890... http://www.eiu.com/Handlers/WhitepaperHandler.ashx... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/vi... http://thediplomat.com/2016/03/the-truth-about-dem... http://www.voanews.com/vietnamese/news/tu-tuong-ho... http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130812-luat-gia-... http://www.state.gov/g/drl/rls/hrrpt/2009/eap/1360... http://www.lenduong.net/spip.php?article1449 http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/khong-de-hi...